• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

Full HAI THẾ KỶ- -phần tiếp theo Những ngày cuối tháng 4 (1 Viewer)

  • Chương 8. TRƯƠNG VĨNH KÝ (P4)

Chiếc xe của Phi chạy tới, chúng tôi lên xe, Phong ngỏ ý dùng bữa sáng ở nơi quen thuộc của chúng tôi ngày trước. Quán mì cật Trương Định, nó có từ trước cả khi chúng tôi lớn lên, ngày đó học trường Nguyễn Du gần đó, chiều nào tan học cả năm anh em đều ghé đến nơi đó dùng bữa chiều. Đến mức, chủ quán quen mặt cả năm người chúng tôi, đến giờ vẫn vậy, dù tôi đã thành một thanh niên chứ không phải là cậu nhóc cấp hai ngày trước. Cái quen mặt nói lên nhiều điều, điều quan trọng nhất, tôi đến không cần gọi món thì chủ quán vẫn biết thói quen của tôi, một tô mì khô cật nạc, thêm một chén tép mỡ ăn kèm.

Lần nào buồn chán, để nhớ lại phong vị ngày cũ, tôi vẫn thả người vào quán mì đông đúc chen chúc này. Vậy mà vui.

Rẽ qua góc bùng binh Chợ Bến Thành, Phong giật mình hỏi.

- Kiệt, chuyện gì đang xảy ra cho tượng Trần Nguyên Hãn? Người ta trùng tu nó?

- Không. Di dời nó.

- Hả? Anh tài xế, dừng xe bên kia đường. Kiệt theo Phong, chúng ta đi sang tượng đài Trần Nguyên Hãn.

Bước xuống xe, Phong nói ngay, vì sợ bác tài nghe thấy thông tin giữa chúng tôi.

- Sao Kiệt không nói Phi phải làm mọi cách ngăn cản hành động này lại? Phi có hiểu tượng đài Trần Nguyên Hãn là biểu tượng của hội chúng ta không? Và không lẽ tất cả người trong hội không ai làm được điều gì sao?

- Phi biết. Ngay cả Thương xá Tax Phi còn không giữ được nữa mà.

- Trời! Cả Thương xá Tax sao? Chính quyền thành phố họ xuẩn ngốc đến mức đó sao?

- Nhiều anh em trong hội đã làm mọi cách mà không được, ý chí cá nhân không thể nào chống lại ý chí tập thể cầm quyền và vây cánh của chúng.

- Chúng ta chấp nhận mất biểu tượng tri thức mà hội để lại cho chúng ta sao? – Phong nói như thét. – Như Hà Nội sao?

Đời tôi rất hiếm khi thấy Phong nổi giận, vì tính tình Phong ôn hòa và điềm đạm. Duy chỉ hai lần thấy Phong nổi giận, lần đầu tiên là chuyến đi trở về Hà Nội. Lần thứ hai là giữa không gian Vịnh Hạ Long.

Khi Phong nhắc về Hà Nội, bản thân tôi đau xót hơn ai hết. Biết bao nhiêu biểu tượng của hội gầy dựng giữa Hà Nội đã biến mất hoàn toàn. Tôi và Phi đều ngầm nhắc nhở với nhau, nhất quyết không để lịch sử này tái diễn. Lịch sử mà Nguyễn Văn Vĩnh một lần nói với anh em trong hội, “Lịch sử người An Nam là lịch sử bi kịch của chính họ. Tức là chúng ta, những người man di hiện đại.” Chẳng ai ngờ rằng, đó cũng chính là vận mệnh của Nguyễn Văn Vĩnh, bậc đại học giả xuất chúng của Hà Nội.

Từ sau cái chết của Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh trở về Hà Nội trong độ tuổi mười sáu. Nhận ra rằng muốn phục hưng đất nước phải đi bằng con đường tri thức chứ không thể bằng con đường bạo lực.

Những ngày du học tại Pháp, trong ba năm 1902 đến 1905, Vĩnh nhanh chóng được gia nhập hội Tam Điểm tại Pháp vì trước đó đã trở thành thành viên hội Tam Điểm Việt Nam dưới sự ủy thác và tín nhiệm của Trương Vĩnh Ký. Văn Vĩnh nghiên cứu cuộc cách mạng Pháp 1789 bị ảnh hưởng bởi rất nhiều thành viên hội Tam Điểm, nhiều lãnh tụ cuộc cách mạng đó là thành viên hội Tam Điểm. Nhưng do sự đề cao nền dân chủ và tự do của hội, nó chống lại ách độc tài và áp bức quen thuộc của đám quý tộc thời bấy giờ, không ít những lãnh tụ của hội bị đưa ra máy chém. Con đường đến với dân chủ lúc nào cũng là máu và máu. Nhận ra được điều đó, Văn Vĩnh đã sớm thấy việc bạo động cách mạng sớm muộn gì cũng đẩy những tinh hoa đất nước vào cõi chết. Chỉ có con đường tăng trưởng tri thức và hiểu biết mới có thể giải phóng con người ra khỏi sự nô lệ.

Không riêng gì Nguyễn Văn Vĩnh, những thành viên hội Tam Điểm trước đó khi vào Pháp đã chống lại sự đô hộ của người Pháp, họ cổ xúy nền dân chủ và kêu gọi độc lập cho Việt Nam. Để vô hiệu hóa hệ thống thuộc địa mà Pháp lập ra, những thành viên của hội đã chủ trương như Trương Vĩnh Ký lấy chữ quốc ngữ canh tân đất nước, xóa bỏ truyền thống mù chữ và lạc hậu của người Việt suốt ngàn năm qua.

Năm xưa, Trương Vĩnh Ký sớm nhìn thấy điều đó, ông nhận ra rằng, người Việt thiếu sự sâu sắc về nhiều lĩnh vực không phải vì kém thông minh mà vì thiếu nền tảng tri thức. Nền tảng đó phải là chữ viết, mà phải là chữ viết viết lại thứ tiếng nói hằng ngày của người Việt chứ không phải là chữ Hán, một thứ tử ngữ chết trên mặt giấy. Không ai dùng chữ Hán để giao tiếp hằng ngày. Đến thế kỷ 15 mới manh nha xuất hiện chữ Nôm để viết lại tiếng Việt, nhưng đó lại là thứ chữ què quặt và không hoàn thiện, cho đến giờ chữ Nôm vẫn không thể hoàn thiện, không chuẩn mực và cách viết lẫn cách đọc. Nếu dùng chữ Nôm để tiếp cận tri thức nhân loại thì người Việt phải đi đường vòng sang chữ Hán, nghĩa rằng, muốn viết được chữ Nôm phải thông qua chữ Hán.
Do đó Trương Vĩnh Ký từ chối việc hoàn thiện chữ Nôm, thay vào đó, Trương Vĩnh Ký hoàn thiện chữ quốc ngữ mà một thành viên hội Tam Điểm năm xưa đã làm. Alexander Rhodes.

Công cuộc hoàn thiện chữ quốc ngữ đầy gian nan, nếu Trương Vĩnh Ký hoàn thiện giai đoạn thứ hai của chữ quốc ngữ là cố định ngữ pháp và chính tả, thì giai đoạn thứ ba, sử dụng chữ quốc ngữ để sáng tác và viết văn lại là cái công của Nguyễn Văn Vĩnh.

Trước Nguyễn Văn Vĩnh, những bậc trí thức của hội đã sớm hoàn tất giai đoạn đó. Họ lập ra hai chi nhánh của hội Tam Điểm tại Việt Nam, cơ sở đầu tiên đặt tại Saigon do Trương Vĩnh Ký làm thủ lĩnh, lấy tên Le réveil de l’Orient, Đông Phương Thức Tỉnh. Chữ Đông Phương cũng chính là biểu tượng của hội, vì hội còn có tên là Illuminati, tiếng La Tinh nghĩa là người được đấng thần linh khai sáng, cũng có nghĩa là ánh sáng lan tỏa, biểu tượng ánh sáng đó có ở hào quang đức Phật và ánh sáng trong kinh Pháp Hoa, cũng là ánh sáng trên đỉnh đầu của đức Jesus, cũng như phong trào Khai Sáng tại Châu Âu, tất cả đều gắn liền với biểu tượng tri thức của hội. Do đó, biểu tượng của hội thường có tên Ánh Sáng, Khai Sáng, Phương Đông (nơi mặt trời mọc cũng là nơi bắt đầu ánh sáng.) Ánh sáng để đối lập với bóng tối, nơi mà con người còn mụ mọ trong sự ngu xuẩn và hành vi bản năng đầy tính thú. Chẳng phải vô lý, mà rất nhiều con người của thời đại Khai Sáng Châu Âu đã gọi thời Trung Cổ là bóng tối, là đêm trường suốt ngàn năm.

Chẳng phải vô lý, khi Saigon gọi là Hòn ngọc Viễn Đông, ngụ ý muốn nói đó là nơi ánh sáng tri thức khởi đầu và lan tỏa. Cũng có nghĩa rằng là vùng đất hứa của những người tri thức, điều này cũng tương tự với những người di dân sang Mỹ đã sáng lập nước Mỹ, bậc quốc phụ nước này đã xem nước Mỹ là vùng đất hứa của tri thức. Rất nhiều thành viên hội Tam Điểm đã xây dựng những biểu tượng văn minh tri thức tại thủ đô nước này.

Saigon cũng như vậy.

Sau đó, hội mở chi nhánh tại Hà Nội, với cái tên nổi tiếng La fraternité Tonkinoise, Tình Huynh Đệ Bắc Kỳ, thành lập vào ngày 9 tháng 9 năm 1887. Tiếp tục, hội thành lập một nhánh khác tại Hà Nội, với cái tên L’Etoile de Tonkin, Ngôi Sao Bắc Kỳ, mang ý nghĩa ngôi sao Bắc Đẩu, là ánh sáng dẫn đường của những người lênh đênh trên biển tìm ra vùng đất hứa. Tiếp theo nữa, hội Les fervents du Progrès thành lập, hội Những người nhiệt huyết vì tiến bộ. Từ ngày hội Tam Điểm bén rễ vào Hà Nội, cả Hà Nội được phục hưng trở lại.

Chúng ta đừng quên từ thời điểm Gia Long dời kinh đô về Huế, thì Gia Long đã ra tay phá hủy nhiều đền đài cung điện tại Thăng Long, với hai mục đích: Một, khiến lòng dân không còn ngả về triều vua Lê cũ; và hai, như một hình thức trấn yểm Thăng Long không thể nào phục hồi được. Suốt giai đoạn sau đó, cả kinh thành Thăng Long trở thành tỉnh lẻ và hoang phế điêu tàn, đến mức Bà Huyện Thanh Quan phải chua xót mà thốt lên, “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.” Văn minh kinh kỳ bị phá nát trong phút chốc. Ngay cả những đứa con Thăng Long thuở nào cũng mất đi sự tự hào của họ. Về điều này, Gia Long đã thành công trong việc hủy diệt sức sống tri thức của kinh thành Thăng Long xưa.

Cái tủi nhục đó âm ỉ trong lòng người Thăng Long, đến thời kỳ quật khởi bởi hội Tam Điểm, người Hà Nội quyết chí xây dựng lại sự vẻ vang cho Hà Nội. Khắp nơi nơi, những người hội Tam Điểm can thiệp vào chính quyền Pháp để xây dựng nên những biểu tượng văn hóa mạnh mẽ nhằm đẩy người Hà Nội hướng ra bên ngoài. Bởi tính chất vùng trũng nhiều ao hồ, nên khuynh hướng người Hà Nội dễ hướng vào bên trong chứ không phải hướng ra bên ngoài tiếp cận với thế giới. khi trái tim Hà Nội nằm ở Hồ Gươm, phần lớn những tòa nhà xây đều hướng về nó. Thì Nhà Thờ Lớn hướng về hướng Bắc, hợp với Nhà Hát Lớn hướng thẳng về hướng Tây, nghĩa rằng hướng về văn minh phương Tây. Nếu khéo léo nhìn từ bản đồ, người ta sẽ thấy hai hướng nhìn của Nhà Thờ Lớn và Nhà Hát Lớn vuông góc với nhau. Đó chính là biểu tượng của Hội Tam Điểm. Điểm giao nhau vuông vức đó nằm tại phố Tràng Thi, xung quanh nó chính và Thư viện quốc gia Việt Nam, mà năm xưa hội đã can thiệp vào để Sở thương mại và nông nghiệp trở thành nơi bảo tồn tri thức.

Để cổ vũ tinh thần học vấn và óc thẩm mỹ để nâng cao đời sống, phần lớn tòa nhà do chính quyền Pháp xây dựng ở đây đều có sự can thiệp của hội nhằm tối ưu hóa sự tự hào. Không khó để thấy những kiến trúc Pháp ở đây tính thẩm mỹ cao hơn hẳn Saigon. Đặc biệt là Nhà Hát Lớn. Hơn cả như vậy, không nơi nào tại Việt Nam mà trường học được xây dựng nhiều và đẹp như tại Hà Nội. Đẹp nhất có thể nói là trường Bưởi, và đây cũng là cái nôi của tinh thần trí thức kháng Pháp. Trường Bưởi cũng do những người của hội can thiệp vào việc xây dựng.

Nhưng để đạt đến đỉnh cao của nền văn minh Hà Nội, cái công đó phải là Nguyễn Văn Vĩnh. Nếu Trương Vĩnh Ký làm rực rỡ tri thức miền Nam, thì Nguyễn Văn Vĩnh phục hưng toàn bộ sức sống tại Hà Nội.

Thương thay Nguyễn Văn Vĩnh, là thời điểm đó Việt Nam có hai phong trào phục hưng đối kháng nhau. Đó là phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh và phong trào chống Pháp của Phan Bội Châu. Ngày nay nhiều người nhầm lẫn mà gán ghép phong trào Duy Tân cho Phan Bội Châu, kỳ thực, Duy Tân chính là phong trào của Phan Chu Trinh.

Phan Chu Trinh là thành viên của hội Tam Điểm Việt Nam, không phải là thành viên hội Tam Điểm Pháp, nên sử sách hoàn toàn không ghi chép được điều này. Chu Trinh đã đưa ra phong trào tân hưng Việt Nam bằng con đường học thức, nghĩa là khai dân trí, làm cho dân tộc mình thoát khỏi ngu dốt, thoát thân phận làm trâu ngựa cho người khác.

Trái lại, Phan Bội Châu muốn nhờ Nhật giúp người Việt thoát khỏi ách đô hộ. Muốn bạo động làm cách mạng và san phẳng những gì người Pháp tạo ra trên nước Việt.

Cả hai phong trào đó tự thân của nó đã đối kháng nhau, Phan Chu Trinh chủ trương bất bạo động, thì Phan Bội Châu chủ trương bạo động. Phan Chu Trinh đề cao học thức và canh tân đất nước bằng con đường tri thức, Phan Bội Châu lại muốn hủy diệt tất cả những gì mà người Pháp mang lại, đưa Việt Nam trở về quỹ đạo Nho giáo. Hai phong trào sinh cùng một lúc, đối kháng với nhau, nên tự triệt tiêu lẫn nhau.

Trong bối cảnh đó, Nguyễn Văn Vĩnh từ Pháp về Việt Nam quyết định biến Hà Nội thành trung tâm tri thức toàn miền Bắc. Ông huy động tiền vốn từ những anh em trong hội thành lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục, kêu gọi những anh em trong hội với đầu óc mẫn tiệp và thông thái nhất ra giảng dạy người Hà Nội. Từ ngôi trường Đông Kinh Nghĩa Thục trên phố Hàng Đào. Hàng chục đến hàng trăm đầu óc thông minh nhất Hà Nội đổ vào làm giáo sư, họ dịch sách cổ điển phương Đông từ Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử v.v. ra chữ quốc ngữ để dạy cho những người Hà Nội theo Tây học. Họ còn dịch và truyền bá tư tưởng phương Tây đương thời như Voltaire, Rousseau, Montesquie v.v. của nền văn minh lý tính ra cho người Việt đọc. Trong vòng một tháng, từ phố Hàng Đào kéo dài cho đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay, người ta lớp lớp đổ về, xe ngựa ngược xuôi. Tư tưởng về pháp quyền của Montesquie vang giữa kinh Xuân Thu của Khổng Tử, người ta đua nhau tranh biện như thể Hi Lạp cổ đại phục hồi tại Hà Nội. Nhiều bậc diễn giả thảo luận trên phố Hàng Đào như Socrates lang thang trên đường phố Athens lý luận với đám thanh niên thành bang này. Phong trào tri thức từ Đông Kinh Nghĩa Thục mạnh mẽ đến nỗi nó lan ra ba sáu phố phường, người thị dân lẫn đám dân đen cũng bị ảnh hưởng, họ bắt đầu nói về tự do và đòi hỏi quyền độc lập. Con người thị dân bắt đầu điều chỉnh sinh hoạt của mình cho phù hợp với nét thanh lịch cao quý của những diễn giả trong bộ đồ tây.
Không chỉ vậy, phong trào tri thức từ Đông Kinh Nghĩa Thục còn khiến nhiều tỉnh thành khác quanh Hà Nội hưởng ứng theo, họ nô nức mở trường từ Hà Đông kéo xuống tận Hải Phòng. Những phong trào viết văn bằng chữ quốc ngữ nở rộ từ đây, khắp nơi nơi lời thơ Tản Đà vang động từng ngõ nhỏ Hà Thành. Người ta vừa đọc báo vừa ngẫm nghĩ sự đời suốt Hàng Khay, Hàng Lược, Hàng Đào, Hàng Thiếc.

Nó mạnh đến mức, chính quyền Pháp lo sợ rằng đây sẽ là cái nôi để chống lại chính quyền Pháp. Vỏn vẻ thành lập trường cho đến lúc đóng trường chỉ vỏn vẹn 8 tháng. Nhưng sức ảnh hưởng của nó thì không thể nào chặn lại, người ta diễn thuyết trên khắp nơi tại Hà Nội. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay đều lưu dấu những bậc thức giả Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Chu Trinh diễn thuyết về vận mệnh quốc gia. Như biết bao triết gia thời cổ Hi Lạp nói về quy luật siêu hình cũng như tranh biện về cuộc sống.

Lịch sử suốt mấy ngàn năm người Việt, chưa lúc nào rạng rỡ và bừng sáng như lúc đó. Dù là trong ách nô lệ người Pháp mà người Hà Nội đã làm thức tỉnh đầu óc mê muội tín điều ngàn năm trước đó.

Không chỉ vậy, hay tin New York có tượng nữ thần tự do mà người Pháp tặng do dân Mỹ, kỳ thực là tinh thần hội Tam Điểm Pháp dành cho hội Tam Điểm Mỹ. Mà trước đó, Trương Vĩnh Ký từ Saigon đã yêu cầu người bạn thân của mình Paul Bert phải lập ngay biểu tượng Nữ thần tự do giữa Hồ Gươm, để làm ánh sáng soi đường cho tất cả những thành viên thế hệ kế tục. Do nhiều người đã quên mất đi cái tên nguyên gốc của tượng La Liberté éclairant le monde, nghĩa là Nữ thần tự do soi sáng thế giới, nên đã không hiểu được ý nghĩa mà nhiều thế hệ tri thức Việt Nam giữ gìn.

Kết quả.

Suốt hơn 50 năm tính từ thời điểm Nguyễn Văn Vĩnh, cả Hà Nội đã văn minh đầy hãnh tiến, khi đó, chẳng ai nói về văn hóa cả, người ta chỉ nói về sự văn minh Hà Nội. Những tên tuổi lớn của hội Tam Điểm còn lưu lại trong sử sách như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Lương Văn Can, Hoàng Minh Giám, Lê Thước v.v. đã khiến cho Hà Nội trở nên rực rỡ.

Ngày mà Hồ Chí Minh thiết lập chính quyền tại Bắc Kỳ. Ông ta từng là thành viên hội Tam Điểm, hơn hết ông ta hiểu rằng những tầng lớp trí thức cao sẽ là mối hiểm họa cho đảng của ông ta. Ra tay thẳng thừng trừng trị lớp trí thức không tuân phục. Cả miền Bắc nổ ra cuộc thanh trừng tầng lớp trí thức, mà nổi tiếng nhất vẫn là cuộc đấu tố Văn nhân Giai phẩm. Khắp nơi nơi, mặc cho tiếng bom đạn của người Pháp giày xéo trên đất nước này, thì máu của người Việt lênh láng khắp Hà Nội. Đời sống thanh lịch trước đó bị gán ghép cho lối sống của đám tư sản mại bản, những lớp người có học thức cao thì bị thuần hóa thành những tay viên chức mẫn cán. Nhanh chóng hội nhận ra rằng chính quyền đương thời sẽ xem Hội Tam Điểm là cái gai trong mắt, hội đưa vào hoạt động bí mật nhằm vẫn bảo tồn tri thức cho thế hệ sau. Nhưng chính quyền ông Hồ Chí Minh vẫn đuổi cùng giết tận tri thức, sau cái chết của học giả Phạm Quỳnh thì cả hội từ Bắc xuống Nam phẫn nộ.

Từ thời điểm đó, hội đã ra sắc luật quan trọng cho mọi thành viên: Không tham gia vào chính trị, lui vào hoạt động bí mật và không công khai danh tính, hơn nữa, không một ai được biết thân phận của nhau để tránh việc chính quyền toàn trị cài người vào tiêu diệt hội. Sau cùng, nguyên tắc cao nhất của hội là: Không đẩy bất kỳ huynh đệ nào vào sự nguy hiểm tính mạng. Hội sớm nhận ra, lịch sử sẽ vận hành theo cách riêng của nó, nhưng tất cả thành viên của hội đều là đứa con ưu tú của Việt Nam, bất kỳ sự đổ máu nào của họ đều gây nguy hiểm đến sức sống tri thức cho dân tộc này. Từ đó về sau không một ai còn nghe nhắc đến hội Tam Điểm tại Việt Nam nữa. Hội lui về phía sau cuộc sống, chìm bên dưới dòng chảy lịch sử.

Bên trên lịch sử là gì, những đứa con tinh hoa nhất của hội đã xuống. Phạm Quỳnh chết tức tửi bởi một tay côn đồ Việt Minh, Văn Cao bị điền thảo đến mức hộc máu ngã trên bàn, tượng nữ thần tự do giữa Hồ Gươm bị kéo sập nung chảy để đúc tượng A Di Đà ở chùa Ngũ Xã bên cạnh Hồ Trúc Bạch. Năm 1975, trượng Trương Vĩnh Ký bị giật sập trước tòa bưu điện trung tâm, pho tượng thiêng liêng giữa ngôi trường trăm tuổi Pétrus Trương Vĩnh Ký cũng bị giật sập. Toàn bộ hệ thống tri thức tiêu diệt trong chớp mắt. Đau đớn nhất vẫn là Hà Nội, suốt 50 năm hình thành nên văn minh Hà Nội nhanh chóng bị hủy diệt trong một buổi chiều. Bình minh dân tộc chưa kịp hưởng lấy ánh sáng rạng rỡ ban ngày thì nó chìm trong đêm tối.
Như thoát khỏi ký ức hãi hùng của hội, tôi và Phong nhìn nhau, lệ chứa chan. Tay phải chắp lên ngực, đứng trước tượng Trần Nguyên Hãn bị niêm phong, vừa hát vừa khóc.

Việt Nam! Việt Nam!

Việt Nam hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi.

Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời

Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời

Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời (*)

Tôi không biết Phạm Duy có phải là người của hội hay không, vì tôi không được biết quá nhiều người trong hội trước đó nhằm đảm bảo sự sinh tồn của con cái họ nếu có trực thuộc hội. Nhưng hội chúng tôi ở miền Nam đã chọn bài Việt Nam Việt Nam thành là Khúc Hát Trường Ca Hội, bất cứ khi nào những anh em trong hội gặp nhau đều phải hát nó. Trong đó, có câu “tự do, công bình, bác ái muôn đời” thì tôi hiểu rằng Phạm Duy có mối quan hệ với hội chúng tôi.

Hơn nữa, những câu ca như Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau, Lửa thiêng soi toàn thế giới. Thì đó đều là những nguyên tắc tối thượng cao nhất của hội.

Tôi và Phong đứng hát giữ dòng xe quanh bùng binh, có người nhìn, có người ngán ngẩm, có tiếng cười khì. Và, có cả nước mắt hai anh em chúng tôi.
---------------------

Bạn đọc có thể nghe lại bài hát này ở đây.

http://mp3.zing.vn/bai-hat/Viet-Nam-.../IW69Z9Z6.html
 
Last edited by a moderator:

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

HAI CHỊ EM
  • Đông Phương Cẩn 东方瑾
Phần 4 END
HAI NGƯỜI MẸ
  • 绝情绝爱大菠萝
Phần 3 END
Một chạm là say đắm, hai chạm là đấm ngay
  • Đừng chọc cười nữa (Biệt Cảo Tiếu Liễu)
Phần 6 END

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom