• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

New Lũ Chúng Tôi Ngày Ấy (2 Viewers)

  • Chương 5: Mất điện.

Chương 5: Mất điện.

Hồi bé, vào những ngày hè, xóm tôi thường hay mất điện. Nhưng mà hồi ấy, mất điện nó bình thường lắm, bởi cứ tầm bảy rưỡi, tám giờ mới mất, tầm ấy cả nhà đã ăn cơm xong, mà ngày ấy đâu có nóng như bây giờ.

Lúc mất điện, thích thú nhất có lẽ là chúng tôi. Bởi những lúc mất điện thì sẽ không cần phải học, mặc dù lúc năm tuổi, việc học của chúng tôi chỉ dừng lại ở ‘A Bờ Cờ’. Mà không học thì sẽ được chơi. Còn người lớn thì mang cái chõng tre ra đặt trước cửa nhà, rồi các mẹ sẽ tụ tập ở đấy và nói chuyện, cuộc nói chuyện của các mẹ chỉ xoay quanh việc học hành của chúng tôi, đi chợ, các món ăn ngon,… Các bố thì lại đứng chỗ khác, có khi là ngồi xổm và nói chuyện với nhau về bóng đá.

Những lúc mất điện, trò vui nhất của chúng tôi vẫn là trốn tìm, xóm bình thường đã tối, lúc mất điện là còn tối hơn. Chơi trốn tìm, kể cả có bắt được rồi thì vẫn không biết ai là ai, vui phết mà.

Những chỗ chúng tôi trốn thì thường ngóc ngách ở trong xóm, và đặc biệt là không trốn trong nhà. Nếu như thời điểm chúng tôi học cấp một thì việc đếm thời gian để cho chúng bạn đi trốn không phải là quá khó, thế nhưng vấn đề ở đây, lúc chúng tôi đang học mẫu giáo cơ.

Có lần, cả xóm mất điện, như thường lệ, chúng tôi lại hò hét, í ới gọi nhau ra và chơi trốn tìm.

“Dừ nha, bớp bềnh, nhiều ăn ít nhịn.”

Cái Ly đề nghị, ‘bớp bềnh’ của chúng tôi là trò úp ngửa, lật bàn tay ấy, ‘nhiều ăn ít nhịn’ tức là lúc ‘bớp bềnh’, ví dụ số người ra ngửa nhiều hơn thì sẽ an toàn, số úp còn lại phải tiếp tục ‘bớp bềnh’ và chỉ khi còn hai người thì sẽ ‘oẳn tù xì’ để xem ai là người làm ‘mạ’ đi bắt những kẻ trốn.

“NHIỀU ĂN ÍT NHỊN!!!”

Mấy đứa xúm lại rồi cùng hô lớn. Và cứ thế, dần dần, cái Ly, Tôm, Nguyên, Cường, Giang, trong tốp an toàn, chúng nó được đi trốn, còn tôi với Cuội lại ở trong tình trạng ‘một trong hai kẻ phải chết’. Và cái lúc ‘oẳn tù xì’ thì tôi chính là thằng phải chết, à không, con phải chết!

Lúc tôi úp mặt bức tường của nhà bác Thanh, đó được xem như là chỗ ‘mạ’ luôn. Luật lệ là tôi đến từ 5 đến 100 và không được canh mạ. Nhưng tôi chỉ mới học đếm từ 1 trở đi và cuộc trốn tìm ấy diễn ra như sau:

“5, 10, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 22, 25, 26, 30, 35, 38, 39, 40, 42, 44, 50, 55, 56, 58, 60,… 100. Mở mắt đi tìm, cách xa ba mét.”

Tôi biết là chỉ mới mười lăm giây đầu thôi thì bọn nó đã núp hết rồi, trốn hết rồi, không đợi được đến 100 đâu, mà căn bản cái thời ấy, tôi chưa đến được siêu như thế!

Trò chơi trốn tìm là một trò chơi mà đứa nào làm ‘mạ’ đứa đấy nhất định sẽ căm thù lắm. Bởi vì đã không được canh chỗ trốn, lại còn phải đi tìm bọn nó. Đêm tối, không có một chút ánh đèn, các bố, các mẹ thì ngồi trò chuyện khắp nơi, kể cả có thính tai cũng không nghe và phát hiện ra được tiếng bước chân của chúng nó.

“Úp mạ.”

Tôi mới đi được xa hơn một chút thì thằng Tôm đã từ sau lưng các bố chạy ra ‘úp mạ’. Cay lắm, nhưng một con người làm ‘mạ’ đầy kinh nghiệm như tôi thì biết chắc rằng, không có đứa nào ngu mà trốn ở chỗ thằng Tôm vừa chạy ra nữa đâu. Thế là tôi lại đi tìm. Kẻ đi tìm đã căng thẳng, kẻ trốn lại còn căng thẳng hơn, không bị bắt thì không sao, bị bắt thì lại phải làm. Ở đời chẳng ai muốn làm kẻ phải đi tìm trong trò chơi trốn tìm cả.

“Úp mạ.”

Lại là thằng Cuội và thằng Cường, chúng nó chạy từ hai phía khác nhau ra và tôi nhận ra được nhưng không thể chạy về kịp. Bây giờ chỉ còn ba đứa: Nguyên, Ly, Giang. Nếu tôi không bắt được đứa nào thì trận tiếp theo, tôi vẫn sẽ phải làm mạ. Đương nhiên, là tôi không muốn như thế.

Tôi tiến đến chỗ các mẹ ngồi, và đúng như rằng, có cái đầu nhoi nhoi ở đấy. Tóc dài, vậy thì chắc chắn là cái Ly rồi, không nhầm vào đâu được.

“Khánh Ly chết.”

Tôi hét lớn và chạy về chỗ ‘mạ’, cái Ly biết bị tôi phát hiện nên cũng chạy vụt ra khỏi chỗ trốn. Trong lúc này, nếu như cái Ly chạy nhanh hơn tôi và trở về ‘úp mạ’ trước thì nó sẽ thắng, nhưng ngược lại, nếu tôi nhanh hơn nó, thì nó sẽ thua. Chỉ nghĩ đến việc bắt được một đứa thôi là sung sướng lắm rồi, vì trận tiếp theo, đương nhiên là nó làm chứ tôi sẽ không làm.

“Úp mạ.”

Kẻ chiến thắng là tôi, và đương nhiên, cái Ly là đứa đầu tiên bị thua, còn hai đứa nữa. Mà thực sự lúc này, việc bắt hai đứa nó không còn quan trọng nữa, bởi dù sao trận tiếp theo, người làm ‘mạ’ sẽ không còn là tôi.

Nhưng tôi vẫn tiếp tục đi tìm, và cuối cùng thằng Nguyên nó cũng thoát, còn thằng Giang lại tử trận. Thế là thằng Giang và cái Ly phải ‘oẳn tù xì’ với nhau để xem ai làm ’mạ’. Và trò chơi thì lại cứ tiếp tục diễn ra như vậy.

Nhưng những lúc mất điện, không chỉ trò chơi trốn tìm được chúng tôi đưa lên hàng đầu, bởi có vô số trò khác còn vui hơn. Có hôm, chúng tôi lấy xe ra đạp dạo quanh xóm, vào một buổi mất điện. Hồi ấy trời mát, mà với chúng tôi, cái xóm nhỏ ấy đã rộng lớn như cả cái đường lớn ngoài kia rồi. Tôi thì chưa biết đi xe, nhưng cái Ly, Tôm, Cuội, Nguyên thì đã biết rồi. Đứa nào cũng có một cái xe hai bánh riêng, thực ra đó là cái xe bốn bánh nhưng hai cái bánh bé tí phía sau đã được tháo ra.

Nếu chỉ đi dạo bình thường thì không phải là chúng tôi, và tất nhiên, đó là một cuộc đua xe giải cúp xóm. Người chiến thắng, sẽ được tôn vinh và dành được một gói bim bim, được tài trợ từ những kẻ thua cuộc. Vì tôi, Cường, và Giang chưa biết đi xe hai bánh nên chúng tôi được phân như sau: tôi là trọng tài, Cường và Giang là bình luận viên. Vạch xuất phát là từ nhà cái Ly, điểm kết thúc là cổng chào đầu ngõ.

“Vâng, các thí sinh đã vào vị trí để bắt đầu cho cuộc giải đua tranh cúp bim bim ngày hôm nay, vâng, và tôi là Cường còn người ngồi cạnh tôi hôm nay là Giang Còi…”

Thằng Cường và thằng Giang thì cứ cầm cái muỗng múc canh của mẹ chúng nó làm Mic để nói, lại còn phải bắt chước theo bình luận viên bóng đá trên Tivi mới chịu cơ. Tôi là trọng tài, cho nên phải đứng ở cuối vạch đích, bởi ở đấy tôi mới thấy được rõ đứa nào về đích trước.

Trời tối thì tối thật, lại còn mất điện, nhưng trăng sáng vằng vặc lại theo dõi từng chặng đua của chúng tôi. Tất nhiên cái Ly chưa bao giờ thắng được ba thằng kia, vì chúng nó liều hơn, đạp nhanh hơn và xe siêu nhân thì bao giờ cũng xịn hơn xe công chúa…

Mà quan trọng nhất đối với chúng tôi không phải là gói bim bim đó, mà là kỉ niệm, một kỉ niệm được chôn sâu vào kí ức và dù năm tháng có qua đi, sau này có lớn rồi, chúng tôi vẫn biết đã có lúc chúng tôi là quán quân của cuộc đua tranh giải cúp xóm!
 

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom