• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

Full Nỗi buồn chiến tranh (4 Viewers)

  • Nỗi buồn chiến tranh - Chương 19

NHỮNG NGÀY THÁNG PHÍA TRƯỚC CỦA ĐỜI Kiên đang rút dần lại. Việc tiếp tục tồn tại như hiện nay ở bề nổi cuộc sống càng ngày càng nhạt mất ý nghĩa, đã trở nên hầu như không còn cần thiết nữa. Anh đã mất Phương, lần này là vĩnh viễn, và thực lòng không hiểu được là làm sao có thể sống thiếu nàng. Dường như chỉ còn những trang bản thảo của cuốn tiểu thuyết đầu tay là những chi tiết cuối cùng neo giữ Kiên vào đời sống, tuy nhiên, bản thảo dẫu vẫn đầy dang dở cũng đến lúc đã phải hạ hồi. Bởi vì, anh nghĩ, có lẽ tới một hôm nào, chẳng bao lâu nữa, khi ngọn đèn bị bỏ quên không tắt bên phòng Phương mà lụi đi thì tất cả cũng sẽ mờ theo thôi, cả những trang viết, cả cuộc sống. Nhưng mà lẽ dĩ nhiên khi cuộc sống còn đấy thì vẫn cứ phải sống thôi. Ngày lại ngày. Những đêm trắng. Rượu uống triền miên và những trang bản thảo dồn lại như núi. Buổi sáng, anh rời bàn viết sau khi đã uống cạn nửa chén rượu cuối cùng để rũ sạch cơn chếnh choáng từ đêm và bước xuống đường, đi tới cái quán cà phê ở góc hồ Thuyền Quang. Sóng hồ lăn tăn. Màn nắng mai lấp lánh. Anh uống cà phê, châm thuốc hút và gọi mua một tờ nhật báo. Với anh tờ nào cũng hệt như tờ nào. Lướt nhìn. Các dòng tít. Những bức ảnh lem nhem. Dọc phố người xe nhộn nhịp, tất tưởi. Bụi mù lên, nắng bắt đầu cháy. Trong quán đông dần. Người ta hút thuốc, đọc báo, khuấy thìa lanh canh, trò chuyện, đàm luận. Cuộc sống đầy ắp chuyện vậy nhưng cũng lại đặc biệt nghèo nàn. Ngẫm lại những dòng vừa viết hồi đêm, Kiên nhún vai, tự thấy kỳ quặc. Thế kỷ 20 đã kết thúc rồi, lòng người đã khước từ, đã vĩnh biệt nó đúng chưa, vậy mà mình thì như thể vẫn muốn trì níu, muốn vớt vát một cái gì. Sống và chỉ có sống, chỉ thế thôi - con người là vậy, thế mà mình... Kiên thở dài, gạt tờ báo sang bên. Một tay nào nom quen quen ra hiệu chào, Kiên gật đầu chào đáp.


- Viết lách tiến triển thế nào rồi? - Tay đó hỏi.


- Chán lắm! - Kiên đáp, vội bỏ đi.


" Tay nhà văn của phường tôi kia kìa" - một người đàn ông ở góc nói với một người đàn ông khác. Kiên đi qua chỗ người đàn ông ngồi bán những con rắn độc trên vỉa hè. Đàn rắn dài thưỡn, ưỡn ườn chẳng buồn ngọ nguậy, vẻ chán đời, nằm bẹp. Bên kia đường lũ trẻ xúm quanh một ông già mù dừng bán những quả bóng bay nhiều màu. Mấy người ăn xin nằm dài trên ghế đá ven hồ. Lá vàng tơi tả rơi. Thành phố đông đúc, buồn rầu. Kiên định đến tòa soạn nhưng rồi lại quay về nhà. Lên cầu thang, vào phòng. Gài cửa lại. Ngồi xuống bên bàn, dở bản thảo ra nhưng phải gấp ngay lại. Châm một điếu thuốc và nhìn ô cửa sổ. Làm gì bây giờ, đi đâu bây giờ? Muốn chợp mắt một lát nhưng như thế lại là sẽ nghĩ tới Phương, sẽ lại nhức nhối đau trong lòng. Anh không muốn thế. Giá có ai giúp mình làm vợi những nỗi niềm. Lâu rồi bạn bè đồng ngũ tản mát, thư từ thưa nhạt. Lâu rồi, anh chẳng còn trò chuyện tâm tình được với ai khác ngoài người đàn bà bị câm sống ẩn trên tầng ép mái; mà cũng họa hoằn, cũng chỉ những đêm say khướt, đầu óc hoàn toàn mụ mị anh mới tìm được đường để lên với chị...


Trí óc nhảy nhót. Có lẽ lại là một chuyện xưa cũ mèm sắp trỗi dậy, nặng trịch. Thật là khổ sở và vô ích. Đôi khi đang viết ở dòng này chuyện này sang dòng sau ngòi bút nhập hồn vào chuyện khác mà anh không hay. Khi nhận ra thì hoặc là phải gạch bỏ hàng trang hoặc đành chịu để thế, phó mặc. Đột nhiên Kiên nhớ, chẳng hiểu tại sao lại nhớ đến chuyện ấy, chuyện bị thương ở Đắc Tô hồi chiến dịch 72. Vết thương trước tiên là nực cười và sau nữa là hình như đã để lại hậu quả thật nặng nề. Bây giờ buồn cười là anh chẳng biết rõ tình cảnh của mình thế nào cả. Trong quân y viện, có một gã công binh bị thương y hệt Kiên. Anh rất ngạc nhiên vì thấy hắn có vẻ đau đớn lắm, khóc lóc nguyền rủa, than thân trách phận. ''Nhưng tôi chẳng thấy đau gì lắm so với những lần bị thương khác" Kiên bảo với hắn - "Mà sao anh lại đau dữ như thế. Tay đó mắng anh là đồ ngốc. Hắn bảo bị thế này thà mù còn hơn. Bây giờ Kiên muốn biết số phận của tay công binh đó quá. Có thể lập thành phường hội những kẻ như hắn và như Kiên. Những kẻ... và ấy là một ý rất nhộn, rất hài, có phải không.


Đến khi chiếm Sài Gòn rồi, người ta cử Kiên chỉ huy đội kiểm soát quân nhân của trung đoàn để đi tua bắt lính tráng ban đêm mò khỏi trại lòng thòng với các "em" ở Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhì, khi ấy Kiên mới thấy hận, mới hiểu. Thì ra người ta nghĩ rằng anh không có khả năng phạm tội. Tóm lại, quả là chết cười. Anh nằm ngả ra giường, hai tay khoanh dưới gáy, trân trân nhìn trần. lẽ ra không nên trở về Hà Nội. Lẽ ra không nên gặp lại Phương. Nếu như thế thì anh đã không phải lôi thôi sống thế này đã êm đời rồi. Có lẽ cũng chẳng viết văn. Chẳng gì hết. Trong suốt những năm qua, kể từ sau chiến tranh và kể từ ngày gặp lại Phương, anh đã nuôi nhiều hy vọng. Anh hy vọng là sẽ dứt bỏ được dĩ vãng. Nỗi buồn rồi cũng sẽ vơi đi cùng năm tháng, cùng công việc và những bước chuyển sẽ gặp trong đời sống. Và hàng năm mỗi khi mùa xuân tới lòng anh lại nao lên niềm hy vọng là cùng với mùa xuân tuổi trẻ của anh sẽ trở về tất nhiên không phải dưới hình hài trẻ trung như trước mà sẽ trở về trong hình thái bản chất nhất của nó, với ý nghĩa là tất cả đều có thể hồi phục và tái sinh tất cả đều có thể làm lại, ngay cả số phận và ngay cả tình yêu. Bây giờ thì khác rồi. Bây giờ thì anh đã thôi không nhìn về phía trước làm gì nữa. Chẳng phải là một phát hiện gì mới mà là một sự thấm nhuần nặng trĩu, giờ đây Kiên hiểu rằng con đường đời thực sự giành cho anh, con đường hướng anh tới tương lai tốt đẹp, con đường ấy nó đã lùi lại ở đâu đó phía sau ra trong khoảng tối mù mịt trên những cánh đồng thời gian mà đất nước đã vượt qua.


Dĩ nhiên, suy nghĩ ấy chưa chắc đã có nghĩa là kết luận của lòng tuyệt vọng. Hạnh phúc nằm lại ở phía sau và mỗi một năm lùi xa hơn. nhưng có sao! - Anh sẽ sớm rời bỏ cuộc sống thường nhật hôm nay, sẽ quay trở lại, dấn bước thật mau và sẽ vươn tay thật xa với vào bóng tối của những ngày đã khuất. Và sẽ tới một ngày đẹp trời nào đó, anh sẽ trở về được dưới vòm trời của những năm tháng xa xưa, bước lên được con đường dẫn về những vận hội đã để lỡ.


Những vận hội bị phí phạm ấy, hiện giờ chưa thể mường tượng lại được. Rất có thể đó là đời sống mà khi hòa bình nhiều bạn đồng ngũ của anh đã chọn: ở lại Miền Nam. trở lại Tây Nguyên, đoạn tuyệt hoàn toàn với đời sống cũ mèm miền Bắc, bằng sức mạnh dư thừa của người lính chiến thắng sống cuộc đời lao động trong sạch và lồng lộng tự do giữa núi rừng và thảo nguyên tại những ngôi làng mới mọc bên bờ Pô-cô, Sa Thầy hay Sêrêpốc, Ya-mơ..." - Đã từng là lính chiến B3 nhiều năm, trọn tuổi xuân lao lực và đẫm máu hai bàn tay thì từ đây, hòa bình rồi, nên sống giữa thiên nhiên và gần gũi người lao động thì mới mong có được cuộc đời yên vui, dịu dần được đau khổ!' - Ai đã khuyên như thế nhỉ, Kiên quên rồi. . . Hình như là chính ủy trung đoàn thì phải. Một lời khuyên mới thâm trầm làm sao. Giữa những cảnh chiến tranh trong mơ đôi khi Kiên vẫn thấy thoáng lên những cảnh sinh hoạt và lao động của đời lính B3. Mùa khô phá rẫy đốt nương. Mùa mưa làm cỏ lúa. Mùa mưa vào rừng nhặt măng hái nấm. Mùa khô giăng lưới bắt cá, đặt bẫy săn thú. Mùa khô đi gùi. Tấm lưng to bè, bàn tay chai sạn. Và hạt muối hạt gạo, củ sắn, mồ hôi thời ấy như chứa đựng mầm mống của niềm vui sống mà ngày nay anh đã để cho rơi vãi, mai một. Có lẽ thế chăng?


Có một niềm đất mà đời Kiên đã một lần lướt thoáng qua, bây giờ thường thấy hiện lên trước mắt như biểu tượng về vùng đất hứa dã mất vào quá khứ, đó là vùng thảo nguyên bao la miền Nam Tây Nguyên: Từ đèo Ngoạn Mục, qua Đơn Dương, Đức Trọng, xuôi đường 20 láng bóng, thẳng tắp về Di kinh... Chẳng phải chỉ vì không gian bát ngát xứ sở này gắn liền với thời kỳ hành quân kỳ diệu. "Thần tốc! Thần tốc nữa" của sư đoàn 10, mà còn bởi chính ở đấy, trên góc trời cực nam cao nguyên, trước ngày kết thúc chiến tranh, trong lòng anh lần đầu tiên bừng lên tình yêu cuộc sống hòa bình, lòng thương mến ngưỡng mộ đối với đời sống lao động yên hàn, bình dị và êm ấm tuyệt đối tương phản với bạo lực, chém giết và tàn phá. Có thể đấy là một ấn tượng lớt nhớt và sai lệch, tuy nhiên là cơ sở để mãi mãi lưu giữ tiềm thức Kiên những âm vang của niềm lạc quan không bao giờ chết hẳn.


Kiên nhớ lại một buổi chiều, anh cùng tổ trinh sát ngự trên một chiếp zeep lùn gắn đại liên rẽ khỏi lộ 20, chạy vào một đường đất đỏ dẫn sâu vào biển ngút ngàn cà phê mênh mông lút tầm mắt. Bọn anh dừng xe lại trước một ngôi nhà xinh xắn nằm cô lẻ, cách xa đường, xin nước uống và nghỉ ngơi chốc lát. Nhà nhỏ, kiểu nhà sàn, tường gỗ súc và gỗ ván, mái cao và nhọn phỏng dáng mái nhà rông. Khang trang, giản dị và thật đẹp. Ấp trại có máy cày, máy nổ, có hệ thống đường ống tưới cho cà phê nhưng không gây huyên náo. Quanh nhà trồng hoa. Sau nhà là vườn ăn quả. Gia đình nhỏ ba người: vợ chồng trẻ người Bắc di cư và một đứa con trai nhỏ chừng sáu bảy tuổi. Khi bọn Kiên với vũ khí, với trang phục hành quân nhàu nát, lấm lem mồ hôi, bụi dường, bước qua ngưỡng cửa, cả nhà chỉ đôi chút lo lắng và bối rối nhưng không hề kinh hoảng hay sợ sệt khúm núm. Thái độ của người chủ vườn và của vợ anh rất đáng mến, ân cần, tử tế một cách đúng mực đầy tự trọng. TỎ lòng hiếu khách, họ muốn mời cơm nhưng khi bộ đội từ chối họ chẳng cố nài. Chị vợ đi pha cà phê, anh chồng thì ngồi tiếp khách. Anh nói năng lễ phép khiêm tốn, có học thức và thật tình, ngay thẳng.


- Thú thật là du kích chúng tôi cũng chưa từng nom thấy chứ đừng nói các ông, binh lính Bắc Việt... nhưng là người làm ăn lương thiện chúng tôi chẳng sợ, - người chủ vườn nói - chúng tôi trồng cà phê, trồng mía và trồng cả hoa. ông Thiệu thua thì mặc ông Thiệu. Bởi vì dù là cộng sản các ông cũng là người, cũng thích hòa bình cũng ưa sự làm ăn yên ổn, vợ con đề huề... Nhờ trời nhờ đất, nhờ cây, nhờ đôi bàn tay mình, nhờ đồng tiền mình, kiếm ra được chứ người canh nông ai mà sống nhờ thời được, phải không các ông?


Cũng may là trong làng trinh sát không hề có mặt những tay lên giọng tuyên huấn phách lối, uốn nắn người răn dạy người, thành thử bữa ấy trò chuyện chủ khách thật dễ chịu chỉ xoay xung quanh chuyện làm ăn sinh nhai, hạnh phúc gia đình, đời sống phong thổ, chẳng một lời đả động đến thời cuộc và chiến tranh.


Khi chị vợ bưng cà phê lên, không khí càng ấm cúng, gần gũi. . . Và trong tất cả những điều ấy - trong tiếng trò chuyện nhỏ nhẹ, phúc hậu, hiền hòa, trong sự bài trí đẹp đẽ của căn phòng, trong ánh mắt và gương mặt dịu dàng của người vợ, vẻ tự tin bình thản của người chồng, trong nét mãn nguyện, yên hàn. dư đủ, vô nghĩa lý của đời sống gia trưởng tách biệt khỏi thời cuộc trong hương vị dễ chịu của tách cà phê, trong mùi gỗ thông lát tường thơm thơm hăng hăng, trong sắc tà lùa trên cửa sổ, trong tiếng rì rào của cây cối xanh tươi; thậm chí cả trong tiếng lách cách từ tốn vô hại của lựu đạn, dao găm cài ở thắt lưng chạm nhẹ vào thành ghế - đều toát ra cảm giác thấm mệt và một nỗi buồn ngọt ngào, cay đắng khó tả.


Ra khỏi cái trại ấp êm đềm ấy được một đoạn, ngồi trên xe, Vân "còm'' - Cựu sinh viên kinh tế kế hoạch - đưa ra ý kiến:


- Đấy, họ sống như thế đấy. ốc đảo bình yên sung sướng thật. Nhưng tớ nghĩ đến mấy ông thầy của tớ ở trường đại học với những lý luận của các bố ấy mà hãi hùng. Nếu bọn ta đánh thắng có nghĩa là dọn đường cho mấy lão ấy tràn vào. Và khi đó thì cặp vợ chồng nọ sẽ biết thế nào là thời thế mới?


- Ừ. Họ sẽ khốn khổ. Hòa bình, cánh mình có quay trở lại chắc gì họ còn đối đãi tử tế nữa nhỉ?


- Là cái chắc. Trừ phi mày trở lại đây làm chủ nhiệm hợp tác xã?


- Nếu thế thì thật đáng buồn... Tớ thì lại đang nghĩ ước gì vùng quê của tớ sau này có được những ấp trại như thế. Cảnh Mộc Châu cũng tựa cảnh này, nhưng nghèo khổ kinh người.


Mệt mỏi, Kiên ngồi gà gật, không tham gia vào câu chuyện. Nhưng anh nhớ mãi. Sau này mấy lần trở vào Nam công tác đã mấy lần anh tính lên thăm miền đất đỏ song chẳng lần nào thực hiện được. Còn Vân, Từ, Thanh những trinh sát viên đã cùng ghé thăm vợ chồng nhà ấy thì đều hy sinh cả rồi...


Kể ra thì dường như chẳng còn gì mờ nhạt hơn một lần dừng chân thoáng chốc như thế trên đường chiến tranh, song chính những điểm mờ nhạt ấy của ký ức càng về sau càng quyến rũ hồi tưởng của Kiên. Và có vẻ như càng ngày càng có ý nghĩa hơn, sâu sắc và thấm thía hơn.


Rồi chẳng thể nào lẩn tránh được, anh lại nghĩ tới Phương. Trí óc thôi không nhảy nhót nữa và bắt đầu trôi theo dòng êm ả. Cảm thấy dễ chịu hơn, anh nhắm mắt lại. Nhưng một cái gì đó lại cứa vào lòng. Đành phải nhổm dậy, châm thuốc hút và đi đi lại lại trong phòng. Không sao ngủ nổi. Phòng của anh ở bên này và phòng Phương ở bên kia bức tường hầu như y hệt nhau. Cũng hình vuông, hai chục thước vuông diện tích với sàn gạch hoa đỏ-trắng giống như bàn cờ vua, trong góc cũng một lò sưởi xây bằng đá men xanh, cũng một khuông cửa sổ trông ra phố qua một vòm bằng lăng. Đồ đạc của hai phòng cũng từa tựa mà bài trí cũng na ná nhau. Có lẽ sự giống nhau ấy là do cùng chung những nét nghèo nghèo, vẻ đơn côi, thiếu vắng. Dĩ nhiên đó là quang cảnh và không khí hồi xưa khi còn sinh thời của mẹ Phương chứ về sau, chứ bây giờ thì đồ đạc cùng bài trí ở phòng nàng đã khác lắm. Mà sự thay đổi đập vào mắt Kiên đầu tiên khi anh từ miền Nam ra, lần đầu sau mười năm biệt ly sang thăm phòng nàng: ấy là không còn thấy chiếc dương cầm màu đen, kiểu cổ, báu vật của mẹ nàng, ngày trước kê kề cửa sổ đâu nữa.


- Em bán nó đi rồi. Chiếm hết cả buồng. Mà em thì, loài ca kỹ, chơi gì thứ thiên cầm đó nữa.


Đấy cũng là kỷ vật của cha nàng, một nghệ sĩ dương cầm đã qua đời từ trước ngày giải phóng Thủ đô. Năm Phương 16 tuổi, mẹ nàng về hưu. Bà là giáo viên âm nhạc. Hoàn toàn khác với Phương, đứa con gái của báu trời cho - như bà thường nói, bà nhỏ người, vóc dáng thấp bé, khuôn mặt gầy và hiền từ, ánh mắt rụt rè, buồn bã, giọng nói yếu ớt hầu như lúc nào cũng thầm thì.


- Bác có một sở nguyện là hướng Phương vào nghệ thuật cao quý của cha nó... âm nhạc cổ điển và đàn pianô. . . Bác rất hãi cái đàn ghi ta và những ham mê ca xướng của nó... Kiên ơi, cháu giúp bác dỗ nó đừng lê la những hội hè, những sân khấu với những liên hoan như thế nữa.


Có lẽ do "gen âm nhạc" và nhất là do được mẹ kèm dạy từ nhỏ, Phương đàn pianô rất khá, nhưng càng lớn Phương càng biếng tập. "Dương cầm nó quá trang trọng, quá cao sang và cồng kềnh nữa, mà chúng mình đang ở thời đại loạn, phải gọn nhẹ, sắc bén thì mới nhập cuộc được". Phương tuyên bố thế. Kiên cũng đồng tình. Chẳng sành điệu gì về âm nhạc cổ diễn, anh thích nghe Phương hát hơn. Nàng hát tuyệt hay. Nhưng mẹ nàng thì nghĩ khác. Có lần anh nghe bà thì thầm than thở, triết lý:


- Tính cách của Phương cháu ạ, y như ba nó. Về bản chất dòng họ nội nó là có một thiên hướng hoàn hảo kỳ lạ. Bất kỳ phẩm chất gì cũng đạt tới mức hoàn hảo trọn vẹn, đến nỗi bác phải tin con gái bác là một dạng thánh nhân, một tiên nữ. Nhưng sự hoàn mỹ này là mong manh vô cùng, vì là sự hoàn mỹ do bẩm sinh chứ không phải do trường đời... Những tâm hồn trong trắng từ thuở lọt lòng như con gái bác là để dành cho âm nhạc thượng tầng. Trượt ra khỏi cây đàn những tâm hồn như con gái bác sẽ bị trường đời vò nát. Bác biết. Mà đây là bác nói tới những trường đời ít gai góc nhất. Nói gì tới trường đời loạn lạc mà Phương nó luôn ham muốn dấn thân vào. Khi đó cái thiên bẩm trong trắng về hoàn thiện tuyệt mỹ sẽ trở thành tai hại một cách không thể tưởng tượng được. Cháu hiểu không? Hội họa, thơ ca, và cả nghề ca sĩ nữa đều tốt đẹp nhưng không tốt đẹp đối với Phương. Với nó chỉ một môi trường sống và một môi trường nghệ thuật duy nhất để tồn tại được trong thời buổi kinh khủng sắp tới là âm nhạc của những thiên tài... Bác lo lắm. Bác lo đủ mọi điều. Bác rất quý ba cháu nhưng bác rất sợ khi Phương nó ham mê nghe ba cháu đến thế và nó bị quyến rũ bởi những bức tranh dễ sợ như thế của ba cháu. Và bác sợ nhất là cái ước mơ nhập thân của nó vào cuộc sống. Trông bề ngoài thì thế đấy nhưng Phương nhà bác nó chịu đựng làm sao nổi những thực cảnh của thời buổi này cơ chứ. Cháu hiểu không?


Ở cái tuổi mười sáu, mười bảy Kiên hiểu sao được. Anh chẳng hiểu gì hết, nhưng nhiều năm về sau: anh có nhiều dịp để nhớ lại những lời của mẹ Phương đã nói khi xưa. Anh ngẫm nghĩ và hiểu rằng hồi đó mẹ nàng đã linh cảm được nhiều điều. Nhưng anh cũng biết, nếu như bấy giờ cả anh cả Phương hiểu được ý của mẹ nàng thì cũng không thể sống khác đi được. Bởi vì ngay sau đấy là chiến tranh, và đã là chiến tranh thì còn nói được gì nữa.


Và đó cũng là vận hội đã để lỡ. Vận hội của một đời sống tinh thần cao cả, hoàn mỹ, của một đời sống văn hóa thiên bẩm, của những giá trị nhân phẩm bị bỏ phí. Thời gian đầu gặp lại nhau sau chiến tranh, trong những tháng ngày tái hợp hầu như đầy sung sướng ấy, chiều lòng Phương, Kiên đã đôi lần phải buộc mình đến nhà hát để xem công diễn những vở ca kịch mà nàng có sắm vai. Thật khó mà tả hết nỗi cực đã phải chịu đựng trong những tối như thế. Đại để là chỉ vài phút sau khi tấm màn nhung ràng rạc rẽ đôi ra, anh không còn biết đưa mắt đi đâu vì xấu hổ, vì ngượng thay cho nàng, cho các vai diễn khác, cho biên kịch, cho đạo diễn, cho các nhạc công. cho tay họa sĩ dựng phông, cho người phụ trách hóa trang, cho bản thân mình, cho khán giả. (Ấy vậy mà thú thực vẫn không khổ sở bằng khi phải chứng kiến sân khấu nhạc nhẹ). Tất cả, những gì anh đang phải cụp mắt xuống để khỏi phải nhìn đều là sự phô bày đến tột độ cái bất tài, cái thô thiển nhảm nhí, cái kiêu hãnh trắng trợn, cái thảm hại vô vị của nền nghệ thuật đặc trưng cho đời sống tinh thần thời hậu chiến.


Rình một dịp thuận tiện là Kiên lẳng lặng bỏ đi ngay. Đâm bổ ra ngoài phố. Anh ngồi xuống ở một ghế ẩm sương khuất trong bóng tối ở mé bên nhà hát. Anh ngồi đấy, chờ cho đến lúc tan buổi diễn. Mọi người ra về tiếng bước chân dồn dập, tiếng cười nói, tiếng tranh cãi bàn tán và anh nghe thấy giọng nói của nàng, tiếng cười của nàng. Thương Phương, lòng anh se lại... Sau khi bị sa sút vì chiến tranh một con người có thể tạo dựng lại cơ nghiệp, có thể hồi phục lại mức sống hồi trước, nhưng những tài sản tinh thần, những giá trị tinh tế của đời sống nội târn một khi đã bị đánh sập, bị đứt khúc ra thì ai là người có được cơ hội lần về với thuở ban đầu? Anh nhớ một ngày đã xa lắc trong quá khứ, cái ngày ngay trước hôm anh lên đường nhập ngũ. Buổi tối, anh chào từ biệt mẹ Phương. Bà đang ốm, ngồi bất động trong ghế bành, nhợt nhạt, hầu như chẳng nói được gì với anh, chỉ lặng lẽ khóc. Đến khuya khi Kiên từ tạ cúi xuống hôn lên đôi bàn tay yếu ớt của bà, bà hôn vào trán anh, nhẹ vuốt tóc anh và bảo với Phương:
 

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom