• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

Full Những người khốn khổ (1 Viewer)

  • Chương 162

QUYỂN IX: ĐÊM TỐI CUỐI CÙNG, BÌNH MINH CUỐI CÙNG
I
THƯƠNG XÓT NGƯỜI ĐAU KHỔ, RỘNG LƯỢNG ĐỐI VỚI NGƯỜI SUNG SƯỚNG
Hạnh phúc là một điều đáng sợ. Khi người ta sung sướng, người ta dễ thỏa mãn. Người ta cho thế là đủ rồi. Nắm được cái mục đích giả của cuộc đời là hạnh phúc, người ta quên cái mục đích chân chính là nghĩa vụ.
Tuy vậy nếu kết tội Mariuytx cũng không đúng.
Chúng tôi đã trình bày, trước khi cưới vợ, Mariuytx không hỏi gì ông Phôsơlơvăng, còn sau khi cưới, thì chàng e ngại không dám hỏi Giăng Vangiăng. Chàng ân hận đã để cho bị lôi cuốn đến một lời hứa với Giăng Vangiăng. Chàng thường tự bảo nhân nhượng trước sự tuyệt vọng của y là sai. Chàng đành đẩy dần dần Giăng Vangiăng ra khỏi gia đình chàng, và làm cho hình ảnh ông phai mờ dần trong tâm trí Côdét. Có thể nói là chàng đứng chặn giữa Côdét và Giăng Vangiăng. Chàng tin tưởng rằng làm như vậy thì Côdét sẽ không nhìn thấy Giăng Vangiăng, do đó không nghĩ đến ông ta nữa. Như thế hình ảnh Giăng Vangiăng sẽ biến mất đi chứ không chỉ là bị xóa mờ.
Mariuytx làm điều mà chàng cho là cần làm và đáng làm. Chàng cho rằng có những lý do chính đáng mà chúng ta đã biết, và những lý do khác nữa mà chúng ta sẽ biết sau này, để làm cho Giăng Vangiăng phải xa dần, thái độ của chàng không bất nhẫn nhưng cũng không nhu nhược.
Tình cờ Mariuytx gặp trong một vụ kiện mà chàng bào chữa, một người mãi biện cũ của ngân hàng Laphít. Qua người ấy chàng được biết một vài điều bí mật, tuy chàng không chú ý thăm dò. Chàng không muốn đào sâu những chi tiết ấy, một phần vì muốn tôn trọng lời hứa không tiết lộ câu chuyện cho ai, một phần vì sợ nguy hiểm cho Giăng Vangiăng. Chàng nghĩ rằng lúc này chàng có một nhiệm vụ quan trọng là hoàn lại số tiền sáu trăm nghìn phơrăng. Chàng vẫn dò tìm người có số tiền ấy một cách kín đáo. Trong khi chờ đợi, chàng quyết không mó đến số tiền kia.
Còn Côdét thì không biết một tí gì về những chuyện bí mật ấy; tuy vậy, chê trách nàng thì cũng quá khắc nghiệt. Mariuytx đối với Côdét có một từ lực không gì cản nổi. Mariuytx ước gì, Côdét đều làm theo nhất nhất như máy và như theo bản năng. Về hướng “ông Giăng” nàng cảm thấy Mariuytx có một chủ ý, nàng chiều theo Mariuytx không phải nói ra một lời nào, những ý muốn thầm lặng của chàng có một mãnh lực mơ hồ nhưng dứt khoát đối với Côdét. Nàng nhắm mắt tuân theo. Sự tuân theo đó cũng giản dị, không có gì khó khăn đối với nàng cả; khi Mariuytx muốn quên đi cái gì thì nàng cũng không nhớ cái đó nữa. Nàng cũng chẳng hiểu làm sao, mà cái đó không phải lỗi ở nàng, tâm hồn của nàng đã biến thành tâm hồn của Mariuytx đến mức cái gì đã xóa mờ trong tâm trí của chàng thì trong tâm trí của Côdét cũng phải nhạt đi.
Nhưng chúng ta cũng chẳng nên đi quá xa. Ở nàng sự lãng quên và phai nhạt đối với Giăng Vangiăng, thực ra cũng hời hợt thôi. Côdét chỉ là bộp chộp thôi chứ không phải là người vong ân. Trong thâm tâm nàng vẫn yêu quý con người mà bao nhiêu lâu nàng gọi là cha. Nhưng nàng còn yêu chồng hơn. Cán cân tình cảm trong trái tim nàng nghiêng hẳn về một phía.
Cũng có khi Côdét nhắc đến Giăng Vangiăng và tỏ vẻ ngạc nhiên, Mariuytx lúc ấy lại úy lạo nàng: “Anh chắc ông ấy đi vắng, ông đã chẳng bảo là có việc phải đi xa đấy ư?” Côdét tự bảo: “Phải đấy, ông ấy vẫn thường vắng bặt đi như vậy. Nhưng cũng có đi lâu như thế này bao giờ đâu!” Hai ba lần nàng cho Nicôlét đến phố Lomácmê hỏi xem ông Giăng đi đã về chưa. Giăng Vangiăng đều bảo người trả lời rằng chưa.
Côdét cũng đành vậy. Đời nàng chỉ có một nhu cầu là Mariuytx.
Về phía Mariuytx và Côdét, họ cũng có dạo đi vắng. Họ đi Vécnông. Mariuytx đưa Côdét đến thăm mộ cha chàng.
Mariuytx dần dần đã dứt hẳn Côdét với Giăng Vangiăng. Côdét cũng chẳng nói gì.
Vả chăng cái điều mà người ta thường gọi một cách quá khắc nghiệt là sự vong ân của con gái, thực ra cũng không quá đáng trách như người ta tưởng. Đây là sự vô ơn của thiên nhiên. Chúng tôi đã có dịp nói ở chỗ khác rằng: thiên nhiên quen “nhìn về phía trước”. Thiên nhiên phân biệt loài người làm hai loại: những người đến và những người đi. Những người sắp đi quay về bóng tối, những người mới đến nhìn ra ánh sáng. Do đó mà có một sự cách biệt, về phần người già thì không thể tránh khỏi, về phần người trẻ thì là vô tình chứ không phải cố ý. Sự cách biệt ấy lúc đầu không nhận ra, nhưng rồi càng ngày càng rõ như những cây đã đâm cành. Cành cây vẫn không tách hẳn thân cây, nhưng càng ngày càng xa thân cây. Không phải lỗi của cành cây. Tuổi trẻ tìm đến vui vẻ, hội hè, ánh sáng chói lọi, tình yêu. Tuổi già đi về tận số, vẫn còn trông thấy nhau nhưng không vồ vập nhau, người trẻ thấy ở người già đời sống nguội lạnh dần, tuổi già nhận thấy khí lạnh của nấm mồ. Kết tội làm chi tuổi trẻ tội nghiệp!
II
NGỌN ĐÈN CẠN DẦU THOI THÓP
Giăng Vangiăng một hôm xuống cầu thang, đi ba bước ra ngoài phố ngồi trên cái trụ, mà đêm hôm mồng 5 rạng ngày mồng 6 tháng sáu Gavrốt đã thấy ông ngồi tư lự. Ông ngồi đấy một lát rồi lên gác. Đó là cái đu đưa cuối cùng của quả lắc đồng hồ. Ngày hôm sau ông không ra khỏi nhà. Ngày hôm sau nữa ông không đứng lên khỏi giường.
Bà gác cổng vẫn mang bữa ăn thanh đạm đến cho ông, một ít bắp cải, vài củ khoai, một miếng mỡ nhỏ, bà nhìn cái đĩa sành màu nâu và kêu lên:
- Tội nghiệp, hôm qua ông không ăn gì à?
- Có đấy chứ! - Giăng Vangiăng trả lời.
- Đĩa vẫn đầy mà.
- Bà xem cái lọ nước, cạn rồi đấy.
- Thế là ông mới uống nước, chớ ông đã ăn đâu?
Giăng Vangiăng đáp:
- Nhưng tôi chỉ đói nước thì sao?
- Thế là khát, chỉ khát nước mà chẳng đói là sốt rồi.
- Ngày mai tôi ăn.
- Ngày mai hay là đến lễ Ba Ngôi? Sao không ăn hôm nay? Ai đời lại hẹn ngày mai tôi ăn! Sao lại trả lại tôi đĩa thức ăn còn y nguyên không động đến? Cái món khoai đỏ ấy làm ngon thế!
Giăng Vangiăng cầm tay bà gác cổng già và nói với cái giọng nhân hậu của ông:
- Tôi hứa với bà tôi sẽ ăn.
Bà gác cổng trả lời:
- Ông không làm cho tôi vui lòng tí nào!
Ngoài bà gác cổng hiền lành đó, Giăng Vangiăng không còn gặp một ai nữa. Ở Pari có những phố không ai qua, có những nhà không ai đến. Ông ở một cái phố như thế và một cái nhà như thế.
Lúc ông còn đi ra phố, ông đã mua ở một hàng xoong nồi một cái thập tự nhỏ bằng đồng mang về treo ở cái đinh ngay trước giường ông nằm. Cái loại giá treo này bao giờ nhìn cũng thấy yên lòng!
Một tuần lễ rồi, Giăng Vangiăng không bước được một bước trong phòng. Ông nằm liệt giường. Bà gác cổng bảo chồng:
- Ông lão trên kia không ngồi dậy nữa, không ăn nữa, cũng chẳng còn được bao lâu nữa. Ông lão có mối buồn gì đó. Tôi tin chắc là con gái ông ấy lấy chồng chẳng ra gì.
Chồng bà trả lời với cái giọng quyền hành của anh chồng:
- Lão có thì lão kiếm thầy thuốc, lão không có thì thôi. Không có thầy thuốc thì chết.
- Nếu có thầy thuốc?
- Có thì cũng chết - Lão gác cổng bảo.
Bà gác cổng lấy một con dao cùn xeo những cây cỏ mọc ở chỗ mà bà gọi là cái hè của bà. Vừa nhủi cỏ, bà vừa làu bàu:
- Cũng thương hại, ông lão ngăn nắp sạch sẽ tệ, nõn như một con gà tơ.
Bà thoáng thấy ở đầu phố ông thầy thuốc khu phố đi qua, bà tự ý mời ông ta lên, bà bảo:
- Ở tầng hai ấy ông ạ, ông cứ vào. Ông lão nằm liệt giường cho nên chìa khóa vẫn ở cửa.
Thầy thuốc coi cho Giăng Vangiăng và nói chuyện với ông. Khi ông thầy thuốc đi xuống, bà gác cổng gọi hỏi:
- Thế nào, bác sĩ?
- Người ốm của bà ốm ra trò.
- Ông lão làm sao?
- Rất làm sao, mà cũng chả làm sao. Xem ra thì hình như ông ta có mất một người thân. Thế cũng chết được đấy.
- Ông lão có bảo gì không?
- Ông ấy bảo vẫn khỏe mạnh.
- Bác sĩ có trở lại thăm ông lão nữa không?
- Có, thầy thuốc trả lời - nhưng phải một người khác trở lại mới xong.
III
NGÀY XƯA NHẤC CẢ CỖ XE BÒ, BÂY GIỜ CẦM MỘT QUẢN BÚT THẤY NẶNG
Một buổi chiều, Giăng Vangiăng khó nhọc chống khuỷu tay lên. Ông cầm bàn tay, không thấy mạch; hơi thở ngắn, có lúc đứt. Ông cảm thấy mình suy yếu hơn bao giờ hết. Bấy giờ chắc có một điều lo lắng tối quan trọng thúc bách ông gắng sức ngồi nhỏm dậy và mặc áo. Ông mặc bộ quần áo công nhân cũ; không ra phố nữa, ông lại giở bộ quần áo ấy ra mặc, ông ưa bộ ấy. Ông phải nghỉ mấy lần mới mặc xong chiếc áo, chỉ xỏ hai ống tay áo mà mồ hôi trán đã vã ra.
Khi chỉ còn một mình ông ở cái nhà ấy, ông đã kê giường ra chái ngoài để khỏi phải ở nhiều trong cái phòng vắng vẻ.
Ông mở chiếc hòm nhỏ, lấy bộ quần áo của Côdét ra trải trên mặt giường.
Hai chiếc đèn nến của ông giám mục vẫn để trên mặt lò sưởi. Ông rút ở một ô kéo ra hai cây nến sáp và cắm vào đèn. Rồi tuy ngày còn sáng tỏ, lúc ấy là mùa hạ, ông thắp hai cây nến lên. Một đôi khi người ta đốt nến giữa ban ngày ở trong phòng người chết.
Mỗi bước đi từ chỗ này qua chỗ khác làm ông kiệt sức, ông đành phải ngồi xuống. Không phải cái thứ mệt thường ngày tiêu phí sức lực để rồi bồi bổ lại, đây là những cử động cuối cùng, cả sức sống suy nhược tiêu tan trong những cố gắng nặng nề không còn gượng được nữa.
Chiếc ghế ông ngồi phịch xuống lại đối diện với tấm gương, tấm gương ác nghiệt đối với ông, và là ân nhân đối với Mariuytx, tấm gương ông đã nhìn thấy dòng chữ đảo ngược của Côdét. Ông nhìn hình ông trong gương, ông không nhận ra mình nữa.
Một ông già tám mươi. Trước ngày cưới của Mariuytx người ta đoán ông chỉ suýt soát năm mươi là cùng, có một năm mà già đi ba chục tuổi. Cái nếp nhăn trên trán không phải nếp nhăn của tuổi già nữa mà là dấu hiệu huyền bí của cái chết. Người ta cảm thấy như có dấu vuốt ác liệt của tử thần. Má ông sệ xuống; da mặt ông có cái màu đất như là đất đã phủ lên người rồi, hai góc mép ông trễ xuống như cái mặt nạ người xưa đắp trên nắp mồ. Ông nhìn khoảng trống như oán trách.
Ông đang ở giai đoạn cuối cùng của sự đau khổ, ở trạng huống mà sự đau thương không trôi đi nữa mà như đông lại, tâm hồn như dính một khối tuyệt vọng đông đặc.
Đêm đã đến. Ông cố sức kéo một chiếc bàn và chiếc ghế bành cũ lại gần lò sưởi rồi đặt quản bút, lọ mực và giấy lên bàn.
Vừa làm xong thì ông ngất đi. Khi tỉnh lại ông thấy khát. Ông không nhấc được bình nước lên nữa, ông cố nghiêng nó xuống, tỳ vào mồm, uống một ngụm. Rồi ông quay lại phía giường, ông vẫn ngồi, vì không đứng được nữa, ông nhìn chiếc áo dài đen nhỏ và những vật quý mến.
Sự chiêm ngưỡng ấy kéo dài hàng giờ mà tưởng như mới vài phút. Bỗng nhiên ông rùng mình, ông cảm thấy cái lạnh giá đến nơi rồi, ông tỳ khuỷu tay lên mặt bàn có những chiếc đèn nến của ông giám mục chiếu sáng; ông cầm bút.
Bút và mực đã lâu không dùng đến, cái mũi bút đã quằn xuống, mực thì đã khô, ông phải đứng dậy đổ mấy giọt nước vào lọ mực; ông phải dừng lại và ngồi xuống hai ba lần mới làm được việc đó. Ông trở bút lại mà viết. Thỉnh thoảng ông lau mồ hôi trán. Tay ông run. Ông viết chầm chậm những hàng chữ sau đây:
“Côdét, cha cầu phúc cho con. Cha giải thích cho con rõ. Chồng con đã làm đúng khi tỏ ý muốn cha đi hẳn, nhưng chồng con cũng có hiểu lầm một chút. Tuy vậy việc chồng con làm vẫn phải. Chồng con tốt lắm. Khi cha chết rồi, con hãy cứ luôn luôn yêu quý chồng con hết lòng hết dạ. Còn ông Pôngmécxi, xin ông hãy yêu đứa con quý mến của tôi. Côdét con ạ, con hãy xem những con số, nếu cha còn sức nhớ lại. Con chú ý, số tiền ấy là của con. Đây đầu đuôi tất cả như thế này: Huyền trắng ở Nauy, huyền đen ở Anh, đồ thủy tinh đen thì ở Đức, huyền thì nhẹ hơn, quý hơn, đắt hơn. Có thể làm huyền giả ở Pháp cũng như họ làm ở Đức, phải có một cái đe nhỏ độ hai tấc vuông, một ngọn đèn cồn để hơ cho xi mềm ra. Trước kia người ta làm xi với nhựa thông và bồ hóng, mỗi cân giá bốn phơrăng. Cha đã nghĩ cách làm xi với nhựa sơn và dầu cây văn hương, chỉ mất ba mươi xu, mà tốt hơn nhiều; những vành khuyên thì làm với một thứ thủy tinh tím dán bằng thứ xi ấy trên một cái màng sắt đen. Những đồ trang sức bằng sắt thì phải dùng thủy tinh tím; những đồ vàng thì phải dùng thủy tinh đen. Nước Tây Ban Nha mua của ta rất nhiều. Nước ấy sản xuất huyền”.
Đến đây ông dừng lại, cây bút nơi tay ông rơi xuống. Ông thổn thức, cái thổn thức tuyệt vọng, có lúc từ đáy lòng dâng lên: ông già tội nghiệp ấy hai bàn tay ôm đầu nghĩ ngợi. Ông kêu thầm trong lòng. Những tiếng kêu tội nghiệp này chỉ có Chúa nghe thấy:
- Ôi thôi! Thế là hết. Ta không còn gặp mặt con ta nữa. Nó là một nụ cười thoáng qua trên đời ta. Ta sắp chìm vào đêm tối, mà không được trông thấy lại con. Trời ơi! Chỉ một phút, một giây lát, nghe tiếng nói của con, sờ cái áo của con, nhìn con, thiên thần của ta, rồi chết cũng cam. Chết có can gì, chết mà không gặp con mới thật đau đớn. Có con ta, con ta sẽ cười với ta, sẽ nói với ta một lời. Thì thiệt hại gì cho ai? Nhưng thôi hết rồi. Không bao giờ nữa. Chỉ mình ta đơn độc, Chúa ơi! Chúa ơi! Không bao giờ tôi thấy mặt con tôi nữa.
 

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom