• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

Full Gatsby vĩ đại (2 Viewers)

  • Chương 17

Đã hai năm qua, nay tôi chỉ nhớ về những giờ còn lại của ngày hôm ấy, đêm hôm ấy và ngày hôm sau như là một chuỗi người tấp nập ra vào không ngớt qua cổng nhà Gatsby – những viên cảnh sát, phóng viên nhiếp ảnh và nhà báo. Một sợi dây thừng được chăng ngang cổng, bên cạnh là một viên cảnh sát đứng chặn những kẻ tò mò, nhưng đám trẻ con chẳng mấy chốc phát hiện ra chúng có thể vào qua sân nhà tôi, cho nên lúc nào cũng có dăm ba đứa, miệng há hốc, đứng túm tụm quanh bể bơi. Một người dáng điệu tự tin, có lẽ là một thám tử, lúc cúi xuống trên xác Wilson chiều hôm ấy, đã thốt lên hai tiếng “thằng điên” và thẩm quyền ngẫu nhiên của lời nói ấy đã đề ra giọng điệu cho các bài tường thuật trên các báo sáng hôm sau.
Hầu hết những bài báo này là những cơn ác mộng, – kệch cỡm, doạ dẫm, hung hăng và sai. Khi Michaelis khai ra với nhân viên điều tra sự nghi ngờ của Wilson đối với vợ, tôi đã tưởng toàn bộ sự việc sẽ bị phơi bày ra thành một chuyện xấu xa li kì, nhưng Catherine, tưởng sẽ bạ gì nói nấy, ai ngờ lại không hé lộ một lời nào. Cô lại còn tỏ ra có một bản lĩnh đáng kinh ngạc: nhìn thẳng vào nhân viên điều tra với con mắt kiên nghị dưới hàng lông mày vẽ lại, cô thề rằng chị cô chưa hề bao giờ gặp Gatsby, rằng chị cô sống hoàn toàn hạnh phúc với chồng và không làm bất cứ điều gì sai trái. Cô đã tự làm cho mình tin vào những lời mình nói, tay cầm mùi soa bưng mặt khóc như thể chỉ nghĩ đến việc sai trái ấy cô đã không chịu nổi rồi. Thành ra Wilson chỉ là một kẻ “quẫn trí vì quá đau buồn” khiến cho vụ này có thể được thu hẹp lại ở cái dạng đơn giản nhất của nó. Và nó đã dừng lại ở cái dạng đó.
Nhưng tất cả phần ấy thật là xa xôi và không thiết yếu. Tôi ở lại bên cạnh Gatsby – mỗi mình tôi. Kể từ khi tôi gọi điện thoại báo tin dữ này đến làng West Egg, mọi điều phỏng đoán về Gatsby và mọi vấn đề thực tế đều đến tay tôi. Thoạt tiên, tôi lấy làm bất ngờ và bối rối. Rồi sau, trong lúc Gatsby nằm dài trong toà biệt thự của anh, không động đậy, không thở, không nói, hết giờ này qua giờ khác, tôi dần dần nhận thấy tôi phải đứng ra đảm đương công việc vì không có một ai khác quan tâm đến – tôi muốn nói là quan tâm bằng mối quan hệ cá nhân thân thiết mà có lẽ mọi người hình như đều có quyền được hưởng vào lúc cuối của đời mình.
Tôi gọi điện thoại cho Daisy sau khi tìm được Gatsby chừng nửa giờ – tôi gọi cho nàng theo bản năng, không do dự. Nhưng Daisy và Tom đã ra đi từ đầu buổi chiều, đem theo cả hành lí.
- Không để lại địa chỉ à?
- Không.
- Có dặn khi nào về không?
- Không.
- Liệu có đoán được họ ở đâu không? Tôi làm cách nào để gặp được họ?
- Tôi không biết. Tôi không biết nói thế nào.
Tôi muốn có người đến với anh. Tôi muốn vào phòng anh đang nằm và nói để anh yên tâm: “Tôi sẽ tìm ra người đến với anh, Gatsby ạ. Đừng lo, cứ tin ở tôi, tôi sẽ tìm ra người đến với anh”.
Meyer Wolfshiem không có tên trong quyển danh bạ điện thoại. Người hầu phòng cho tôi địa chỉ phòng làm việc của ông ta tại Broadway. Tôi gọi tổng đài, nhưng đến khi được nối đường dây thì đã quá năm giờ chiều từ lâu và không thấy ai trả lời.
- Nhờ chị quay số gọi cho lần nữa.
- Tôi đã gọi ba lần rồi.
- Việc rất cần chị ạ.
- Rất tiếc. Có lẽ không có ai bên máy.
Tôi trở lại phòng khách, tưởng rằng có khách khứa tình cờ đến chơi, nhưng lại chỉ là người của nhà chức trách kéo đến đầy nhà. Tuy họ có vén tấm khăn phủ lên và nhìn Gatsby với con mắt kinh sợ, nhưng lời khẩn khoản của anh vẫn tiếp tục giục giã trong óc tôi:
- “Này, người anh em, anh phải tìm ra ai đến với tôi chứ. Anh cố tìm đi. Tôi không thể ra đi đơn độc như thế này.”
Có người hỏi tôi, nhưng tôi gạt đi và bỏ lên gác, vội vã nhìn vào trong những ngăn kéo không khoá ở bàn giấy của Gatsby – anh chưa bao giờ nói rạch ròi với tôi là cha mẹ anh đã qua đời. Nhưng không có gì cả, chỉ có bức ảnh Dan Cody, tượng trưng cho một thời trôi nổi đã qua, từ trên tường nhìn xuống đăm đăm.
Sáng hôm sau, tôi cho người hầu phòng đi New York cầm một bức thư cho Wolfshiem, hỏi những tin tức cần thiết và yêu cầu ông ta đến ngay bằng chuyến tàu sớm nhất. Lúc viết thư, tôi nghĩ yêu cầu như vậy là thừa. Tôi tin rằng đọc được tin đăng trên báo là ông ta sẽ vội đến ngay, cũng như tôi tin rằng từ giờ đến trưa thể nào cũng nhận được điện tín của Daisy – nhưng cả bức điện lẫn Wolfshiem đều không thấy đâu. Không một ai đến, mà chỉ lại có thêm cảnh sát, phóng viên nhiếp ảnh và nhà báo. Khi người hầu phòng đem về bức thư trả lời của Wolfshiem thì tôi bắt đầu có một ý nghĩ thách thức, cảm thấy có một mối liên kết gắn bó Gatsby với tôi bằng lòng khinh bỉ tất cả bọn họ.
Ông Carraway thân mến,
Đây là một trong những sự việc choáng váng khủng khiếp nhất trong đời tôi, khó mà tin được là có thật. Hành động điên rồ của kẻ ấy thật phải làm tất cả chúng ta suy nghĩ. Tôi không thể đến trong lúc này vì đang vướng vào một việc hết sức quan trọng và do đó tôi không dính tay vào đây được. Nếu ít lâu nữa, có việc gì mà tôi có thể làm, xin ông báo cho tôi biết qua thư gửi cho Edga. Tôi sững sờ khi nghe nói về vụ này và tôi đúng là quỵ ngã, không gượng dậy nổi.
Xin gửi ông lời chào thân mến,
Meyer Wolfshiem.
và dòng tái bút viết vội dưới đây:
Xin ông cho biết về lễ mai táng, vân vân. Không biết tí gì về gia đình ông ta.
Khi chuông điện thoại réo vang chiều hôm đó và điện thoại đường dài báo là Chicago gọi, tôi nghĩ cuối cùng đây chắc là Daisy. Nhưng lại là một giọng đàn ông rất nhỏ và xa tít:
- Slagle đây...
- Ai? – Tôi nghe tên không quen.
- Thư ấm ớ quá hả? Nhận được điện của tôi chưa?
- Không có điện nào cả.
- Thằng nhóc con Parke hỏng rồi. – Đầu dây đằng kia liến thoắng. – Nó đã bị tóm gáy khi trao tín phiếu tại quầy trả tiền. Bọn kia đã nhận được tin từ New York báo cho biết các số phiếu trước đó đúng năm phút. Ông tính sao đây? Không thể nào nói chắc được ở những thị trấn quê mùa này...
- Alô, – tôi hổn hển cắt ngang, – Đây không phải là Gatsby. Ông Gatsby chết rồi.
Một lúc im lặng dài ở đầu dây đằng kia, tiếp theo sau là một tiếng cảm thán... rồi một tiếng “cạch” khô khốc khi ống nghe bị bỏ xuống.
*
* *
Hình như đến ngày thứ ba thì có một bức điện kí tên Henry C.Gatz gửi từ một thị trấn ở bang Minnesota đến. Bức điện chỉ nói là người gửi sẽ lên đường ngay tức khắc và yêu cầu hoãn việc mai táng cho đến khi người ấy tới.
Đó là bố đẻ của Gatsby, một cụ già vẻ nghiêm nghị, dáng điệu lúng ta lúng túng, hốt hoảng, co ro trong chiếc áo choàng rẻ tiền dài rộng lùng thùng giữa thời tiết ấm áp của một ngày tháng Chín. Những giọt nước mắt theo nhau ứa ra ở khoé mắt cụ và khi tôi đỡ lấy cái túi xách tay và cái ô của cụ thì tay cụ cứ giật giật liên hồi chòm râu xám xỉn thưa thớt làm tôi loay hoay mãi mới cởi được áo khoác cho cụ. Trông cụ có vẻ muốn khuỵu ngã, tôi vội dìu cụ sang phòng đàn, đỡ cụ ngồi xuống ghế và gọi người đem thức ăn lên. Nhưng cụ không ăn, và sữa trong cốc rớt cả ra ngoài trong bàn tay lẩy bẩy của cụ.
- Tôi đọc được trên tờ Chicago, – cụ nói, – Họ kể hết trên tờ Chicago. Tôi vội vã đi ngay.
- Tôi không có cách nào báo tin cho cụ.
Đôi mắt cụ không ngừng ngơ ngác nhìn quanh gian phòng nhưng không thấy gì hết.
- Nó là một thằng điên phải không ông? – cụ hỏi. – Nó có điên mới thế.
- Cụ dùng chút cà phê nhé, – tôi khẩn khoản.
- Tôi không muốn ăn uống gì đâu. Tôi cảm thấy dễ chịu rồi. Ông là ông...?
- Carraway.
- Vâng, tôi thấy dễ chịu rồi. Jimmy nằm ở đâu hả ông?
Tôi đưa cụ vào phòng khách, chỗ đặt con trai cụ, và để cụ lại đấy. Có mấy đứa trẻ mon men đến tận các bậc thềm dòm vào trong nhà. Khi tôi bảo với chúng người khách mới đến là ai, chúng đành luyến tiếc bỏ đi.
Một lát sau, cụ Gatz mở cửa bước ra, miệng há hốc, mặt hơi đỏ, trong mắt lăn ra những giọt lệ lẻ loi và chậm trễ. Cụ đã tới tuổi mà cái chết không còn là sự bất ngờ ghê sợ nữa, và khi cụ lần đầu tiên nhìn ra xung quanh thấy gian tiền sảnh mênh mông tráng lệ, thấy các gian phòng lớn mở thông sang các gian phòng rộng lớn khác thì nỗi đau buồn của cụ pha đượm một niềm kiêu hãnh hãi hùng. Tôi đưa cụ lên một phòng ngủ trên gác. Trong khi cụ cởi áo, tôi nói với cụ là việc mai táng đã được hoãn lại chờ cụ.
- Tôi không biết cụ định liệu thế nào, thưa cụ Gatsby...
- Tên tôi là Gatz.
- ... thưa cụ Gatz. Tôi nghĩ có thể cụ muốn đưa thi hài về miền Tây chăng?
Cụ lắc đầu.
- Jimmy xưa nay vẫn thích miền Đông này hơn. Jimmy đã xây dựng được địa vị của mình ở miền Đông... Ông là bạn của con trai tôi phải không, ông...?
- Tôi với anh ấy là bạn thân.
- Tương lai của Jimmy thật xán lạn, ông biết đấy. Jimmy còn trẻ, nhưng sức mạnh tinh thần thì có nhiều ở đây này.
Cụ trịnh trọng chỉ vào đầu mình, và tôi gật đầu.
- Nếu còn sống, Jimmy sẽ phải là một con người vĩ đại. Một người như James J. Hill (1) ấy. Jimmy rồi sẽ giúp cho đất nước phồn thịnh.
- Thưa cụ, đúng vậy, – tôi ấp úng, ngại ngùng.
Cụ mân mê tấm khăn thêu trải giường định nhấc ra, sau lại lóng ngóng nằm xuống, duỗi thẳng người và ngủ thiếp đi ngay tức khắc.
Đêm ấy, có một người gọi điện thoại đến với giọng lộ rõ là hoảng hốt, hỏi tôi là ai đã rồi mới chịu xưng tên.
- Tôi là Carraway đây.
- A, – người kia thở phào nhẹ nhõm. – Tôi là Klipspringer.
Tôi cũng thấy nhẹ hẳn người vì có lẽ sẽ có mặt thêm một người bạn nữa bên nấm mồ của Gatsby. Tôi không muốn đăng cáo phó trên báo, vì như vậy sẽ chỉ thu hút một đám người tò mò vãn cảnh, mà tôi sẽ đích thân gọi điện thoại cho một vài người. Nhưng khó gặp được họ quá.
- Ngày mai thì đưa tang, – tôi nói. – Vào lúc ba giờ chiều tại đây, ở nhà này. Tôi mong ông sẽ báo lại với những ai có ý định đến đi đưa.
- Vâng, tôi sẽ báo, – hắn nói vội. – Tất nhiên không chắc tôi đã gặp ai, nhưng nếu gặp...
Giọng hắn làm tôi nghi hoặc.
- Còn ông, tất nhiên ông sẽ có mặt chứ?
- Vâng, nhất định tôi sẽ cố gắng. Tôi gọi điện thoại là vì...
- Khoan đã, – tôi ngắt lời hắn. – Ông cho biết có đến hay không?
- Vâng, quả thực là... tôi hiện đang ở nhà một vài người bạn tại Greenwich, có lẽ họ muốn có tôi ở chơi với họ ngày mai. Chẳng là họ định tổ chức một buổi cắm trại hay cái gì đó. Tất nhiên, tôi sẽ cố gắng tìm cách rút lui.
Tôi không nén được một tiếng “xì”, chắc hắn có nghe thấy vì hắn luống cuống nói tiếp:
- Tôi gọi điện thoại cốt để hỏi đôi giày của tôi bỏ quên đằng ấy. Liệu tôi có thể nhờ ông bảo người hầu phòng chuyển đến cho tôi được không. Một đôi giày đánh tennis, không có nó tôi thực không biết xoay xở ra làm sao. Địa chỉ của tôi là: “Gửi qua B.F...
Tôi không nghe hết tên và dập máy.
Sau đấy, tôi cảm thấy hơi nhục nhã cho Gatsby – một kẻ khi tiếp lời gọi điện thoại của tôi, nói bóng gió với tôi rằng Gatsby bị như thế là đáng đời lắm. Tuy nhiên, đó là lỗi ở tôi, vì gã này nằm trong số những kẻ thường lấy can đảm bằng hơi men của Gatsby để nhạo báng Gatsby cay độc nhất. Lẽ ra tôi phải hiểu người hơn để khỏi gọi cho gã.
Sáng hôm đưa tang, tôi lên New York gặp Meyer Wolfshiem. Tôi thấy không có cách nào khác để gặp ông ta. Theo lời chỉ dẫn của thằng nhỏ coi cầu thang máy, tôi đẩy cánh cửa bên ngoài đề chữ “Công ty Swastika” và lúc đầu tưởng không có ai trong nhà. Nhưng khi tôi gọi to vài tiếng vô ích thì nghe có tiếng xì xào đằng sau một vách gỗ và ít phút sau một phụ nữ Do Thái duyên dáng hiện ra ở khung cửa trong, nhìn tôi chằm chằm với đôi mắt đen ác cảm. Bà ta bảo:
- Không có ai ở nhà. Ông Wolfshiem đi Chicago rồi.
Phần đầu câu nói hiển nhiên là không đúng sự thật vì bên trong có ai bắt đầu huýt sáo lạc điệu bài “Vườn hồng”.
- Nhờ bà báo là có ông Carraway muốn gặp ông ấy.
Đúng lúc đó có tiếng người, đúng tiếng Wolfshiem không sai, ở sau cửa trong gọi to: “Stella!”
- Ông để lại danh thiếp lên bàn kia, – bà ta nói vội, – tôi sẽ chuyển lại khi nào ông ấy về.
- Nhưng tôi biết ông Wolfshiem có nhà.
Bà ta bước lên một bước về phía tôi, đanh đá chống tay vào hai bên hông, sấn sổ:
- Bọn thanh niên các anh tưởng bất cứ lúc nào cũng xông được vào nhà người ta đấy à? Chúng tôi ngấy lắm rồi. Tôi đã bảo ông ấy đi Chicago là ông ấy đi Chicago rồi.
Tôi nói tên Gatsby.
- À! – bà ta lại nhìn tôi. – Thế ra ông chính là... Tên ông là gì?
Bà ta biến đi. Một lúc sau, Meyer Wolfshiem đứng trịnh trọng ở giữa khung cửa, chìa cả hai tay ra với tôi. Ông ta kéo tôi vào phòng làm việc của ông ta, nhận xét bằng một giọng cung kính rằng đây là lúc đau buồn đối với cả hai chúng tôi, và mời tôi một điếu xì gà.
- Tôi còn nhớ hôm đầu tiên gặp ông ấy, – Wolfshiem kể. – Một thiếu tá trẻ măng mới xuất ngũ ngực đầy mề đay giành được trong chiến tranh. Ông ấy túng thiếu đến nỗi vẫn cứ phải đánh bộ đồ quân nhân vì không đủ tiền mua một bộ thường phục. Lần đầu tiên tôi gặp là lúc ông ấy đến phòng bi-a Winebrenner ở phố Bốn mươi xin việc. Đã hai ngày, ông ta chưa được một miếng nào vào bụng. Tôi mới bảo: “Lại đây ăn trưa với tôi”. Ông ấy ngốn hết hơn bốn đô-la trong nửa giờ.
- Có phải ông đã đưa ông ấy vào nghề kinh doanh phải không? – Tôi hỏi.
- Đưa ông ấy vào thôi à? Tôi đã hoàn toàn gây dựng cho ông ta thì có.
- Ồ.
- Tôi đã đưa ông ta ngoi lên từ con số không, đúng là từ bùn rãnh ngoi lên. Tôi đã thấy ngay là ông ta có mẽ người, một chàng trai lịch sự. Đến khi ông ta kể là đã học ở Oxford thì tôi biết ngay tôi có thể dùng ông ta vào việc có ích. Tôi đã đưa ông ta vào Hội các cựu chiến binh và ông ta đã có một địa vị cao ở đấy. Ngay sau đó, ông ta đã làm được một số việc cho một khách hàng của tôi ở Albany. Chúng tôi bao giờ cũng làm ăn gắn bó với nhau như thế này, – ông ta giơ lên hai ngón tay chuối mắn, – bao giờ cũng có nhau.
Tôi không muốn biết mối quan hệ cộng tác này có gồm cả sự gian trá trong Giải vô địch bóng chày năm 1919 không.
- Bây giờ ông ấy chết rồi, – tôi nói sau một lúc, – ông là người bạn gần gũi nhất của ông ấy, vậy chắc ông sẽ muốn đến đưa tang ông ấy chiều nay.
- Tôi rất muốn.
- Vậy thì đến đi.
Túm lông trong mũi Wolfshiem hơi rung rung và ông ta vừa lắc đầu vừa nước mắt chứa chan.
- Tôi không đến được, tôi không được dính vào chuyện đó.
- Không sợ có gì liên luỵ đâu. Mọi chuyện đâu vào đấy cả rồi.
- Khi có ai bị giết chết, tôi không bao giờ muốn dính vào bằng bất cứ cách nào. Tôi đứng ngoài. Hồi trẻ thì khác – nếu có một người bạn chết, bất kể chết như thế nào, tôi sẽ bám riết lấy bạn đến phút chót. Ông có thể cho như thế là đa cảm, nhưng đúng thế đấy – cho đến tận phút chót.
Tôi hiểu ra là vì một lí do riêng nào đấy, Wolfshiem đã nhất quyết không đến, vì vậy tôi đứng dậy.
- Ông đã qua đại học chưa? – Wolfshiem đột nhiên hỏi.
Tôi đã tưởng ông ta lại sắp giới thiệu tôi với một “đầu mối” nhưng ông ta chỉ gật gù cái đầu và bắt tay tôi, mồm khuyên nhủ.
- Ta hãy tìm cách bày tỏ tình cảm của mình với người khác khi họ còn sống chứ không phải khi họ đã chết. Ngoài ra phương châm xử thế của tôi là không dính dáng vào việc gì hết.
Lúc tôi rời phòng làm việc của Wolfshiem ra về thì trời đã tối, và tôi về đến West Egg dưới làn mưa phùn. Thay quần áo xong, tôi sang buồng bên và thấy cụ Gatz đang đi lại trong gian tiền sảnh, vẻ vô cùng xúc động. Niềm kiêu hãnh của cụ về người con trai cụ và tài sản của con trai cụ không ngừng tăng lên và bây giờ cụ có mấy thứ muốn khoe với tôi.
- Jimmy đã gửi cho tôi bức ảnh này, – cụ rút ví ra, tay run run. – Ông xem này.
 

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom